“Đền không thờ thần thuốc phiện đâu, không phải đâu” – vừa hổn hển thở, người trưởng thôn Suối Thầu 1 (xã Bản Luốc) vừa phân bua với khách.
Theo trưởng thôn Đặng Hồng Cánh, từ mấy trăm năm trước, có một nhóm hộ gia đình dân tộc Dao áo dài (còn gọi là Dao Tiểu bản) đến đất này ra sức khẩn hoang vỡ ruộng, lập làng bản. Khi ấy, rừng núi hoang vu, dã thú hoành hành, nên những người dân mở đất gặp nhiều khó khăn. Biết chuyện, vị quan trấn thủ địa phương lúc đó là ông Đặng Minh Đông đã giúp đỡ họ rất nhiều để ổn định cuộc sống, đặc biệt là cách làm ruộng bậc thang, ruộng nước, cách dẫn nước về ruộng...
Đồng thời, ông cũng xuất tiền để tìm thầy cúng, nghệ nhân, thợ để xây dựng một ngôi đền, mong thần linh che chở cho người dân được an cư lạc nghiệp. Việc chưa xong thì ông được điều chuyển đến nơi khác, nhưng vẫn quan tâm và đều đặn gửi tiền công xá về cho bà con lo toan. Sau này, khi ông mất đi, người dân lập thêm bức tượng của ông trên ban thờ để tưởng nhớ, là pho tượng thứ 14 trong ngôi đền.
Thượng lương đền Bản Luốc ghi rõ năm khởi tạo ngôi đền. |
Anh Cánh lần lượt giới thiệu với khách những pho tượng trên bệ thờ. Pho tượng cao nhất đặt chính giữa là Ngọc Hoàng (người Dao gọi là Nhùi Vương), hai bên có 12 thần linh khác, và tượng thần nhân Đặng Minh Đông đặt ngoài cùng theo hướng tay phải của Ngọc Hoàng. Tượng Ngọc Hoàng lớn nhất, cao khoảng 1m, đầu đội mũ bình thiên, ngồi uy nghi ở giữa. Tiếp đến là các tượng nhỏ hơn. Có pho tượng mặt đỏ, có pho mặt đen, có tượng đàn ông, đàn bà, mặc áo quần nhiều màu sắc sặc sỡ.
Cụm tượng thần Sấm bị hiểu nhầm là tượng thờ thần Thuốc phiện |
Trên ban thờ có một pho tượng rất đặc biệt, đặt phía tay trái Ngọc Hoàng, bên cạnh tượng Diêm Vương và Quan Âm bồ tát. Đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, đội khăn đỏ, tai to, mắt nhìn xuống, bộ ngực trần với hai bầu vú tròn căng lộ hẳn ra ngoài áo. Trong lòng người phụ nữ ôm một đứa trẻ trần truồng, miệng ngậm vú, bàn tay sờ vú còn lại. Dưới chân, có một đứa trẻ lớn hơn đang đùa nghịch, hai tay ôm bám lấy chân mẹ. Các đền chùa ở nước ta, ban thờ thường được coi là nơi linh thiêng, quả thật hiếm thấy có hình ảnh đời thực sống động như thế này.
Anh Trần Chí Nhân, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: “Đó là tượng Bà Mụ theo quan niệm của người Dao, gọi là Nhiều Goắng. Giống như các dân tộc khác, người Dao áo dài Hoàng Su Phì đặc biệt coi trọng việc sinh nở cũng như các lễ thức liên quan đến vòng đời con người. Nếu như các gia đình trưởng họ không có con nối dõi thì buộc phải đổi họ để có người thờ tự tổ tiên. Tuy nhiên người Dao lại không quá coi trọng là con trai hay gái vì nếu chỉ sinh con gái thì có thể lấy rể về thay con trai. Khi đó, người con trai phải đổi họ sang họ bố vợ và được gia tộc bên vợ coi như con trai mà không có sự phân biệt đối xử nào. Khi cặp vợ chồng nào đó hiếm muộn con cái họ thường tổ chức lễ cầu tự, cầu cúng thần linh và vị Nhiều Goắng này”.
Bức tượng độc đáo, mẹ cho con bú, trên ban thờ đền Bản Luốc |
Căn cứ vào những dòng chữ Nho ghi trên xà nóc, ngôi đền Bản Luốc được xây dựng vào năm 1822, triều vua Minh Mạng, tức là đã gần tròn hai thế kỷ. Những người già còn nhớ, ngôi đền xưa kia tường thưng bằng gỗ, có các hàng chân cột, vì, xà làm bằng gỗ, mái lợp gianh. Theo thời gian, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần, gần nhất là vào năm 2006, trên nền đất cũ. Có những giá trị văn hóa nhân văn còn ẩn chứa bên trong ngôi đền nhỏ ấy, còn chưa được khám phá hết.
“Nhưng đền Bản Luốc chính xác là nơi thờ thần linh của người Dao, được người dân tin tưởng, kính ngưỡng. Tuyệt đối không phải nơi thờ thần Thuốc phiện” – trưởng thôn Đặng Hồng Cánh quả quyết.
Các bạn có thể đến thăm ngôi đền trong chương trình thăm quan khám phá "Ruộng bậc thang và dấu ấn văn hóa Hoàng Su Phì" tại Bản Luốc của chúng tôi. Liên hệ để nhận thêm thông tin, các bạn có thể tự thu xếp đến thăm quan hoặc nhận sự hỗ trợ từ chúng tôi! - Trung tâm hướng dẫn - Du lịch Cộng đồng Tây Côn Lĩnh
Bài và ảnh: Lê Quân
Từ VTV News